Nền kinh tế thế giới và tiến trình toàn cầu hóa đang đứng trước nhiều thách thức mới khi các diễn đàn đa phương có sự tham gia của một số siêu cường kinh tế (như WTO, Liên hợp quốc, APEC, G20, G7, v.v.) bộc lộ không ít bất đồng và gặp khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung; vai trò của các thể chế đa phương và luật lệ, quy định thương mại quốc tế phổ cập (đặc biệt là WTO) có phần suy giảm trong khi xuất hiện các sáng kiến, định chế kinh tế - tài chính mới (như Sáng kiến Vành đai và Con đường, AIIB, v.v.). Bản thân WTO vẫn chưa xử lý được những vấn đề quan trọng liên quan đến thương mại như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, hay những mất cân đối thương mại toàn cầu. Liên kết kinh tế khu vực, tiểu vùng và song phương có xu hướng được đẩy mạnh hơn so với liên kết kinh tế toàn cầu và liên khu vực.
Triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính
Về cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế, Nghị quyết triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế,... và cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, các thủ tục không cần thiết để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và thực thi.
Xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát của các lĩnh vực kinh tế - xã hội áp dụng các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới/tích hợp để có chính sách quản lý phát triển kịp thời và phù hợp nhằm thúc đẩy kinh tế số, sáng tạo, khởi nghiệp…
Cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch
Về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh mang đến sự ổn định và dễ dự đoán của chính sách. Đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, thực chất hơn để giải quyết triệt để được những vấn đề còn vướng mắc đối với môi trường kinh doanh. Khắc phục tình trạng thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đối với từng lĩnh vực phụ trách.
Tích cực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, xây dựng thương hiệu; phát triển thương mại điện tử để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường…
Để thực thi hiệu quả các FTA, Nghị quyết đưa ra giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành; phát huy hiệu quả cơ chế tham vấn giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong quá trình đề xuất, lựa chọn đối tác và xây dựng phương án đàm phán các FTA mới cũng như trong việc tháo gỡ những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu; ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng xuất khẩu.
Tiếp tục thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết trong các FTA; nghiên cứu, đề xuất phương án đàm phán các FTA mới cũng như nâng cấp một số FTA đã ký kết; nghiên cứu và tập trung triển khai có hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là kế hoạch thực thi các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP…
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế số ngày càng có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của mỗi quốc gia. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó, phát triển kinh tế số gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo cơ hội bứt phá cho kinh tế đang là một yêu cầu cấp thiết đặt ra.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh đến Việt Nam, tạo ra thời cơ mới cho Việt Nam hội nhập sâu rộng và hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới, tranh thủ các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thu hẹp khoảng cách phát triển. Kinh tế số thời gian gần đây đã có sự phát triển mạnh mẽ. Theo báo cáo thường niên "e-Conomy SEA 2020" của Google, Temasek và Bain & Company công bố đầu tháng 11/2020, Việt Nam là một trong những quốc gia duy trì mức tăng trưởng kinh tế số ở mức hai con số, tăng 16% từ 12 tỷ USD (năm 2019) lên 14 tỷ USD (năm 2020). Dự báo đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam có thể đạt 52 tỷ USD, đưa Việt Nam vươn lên đứng thứ hai về kinh tế số ở Đông Nam Á. Tại Việt Nam, trung bình mỗi người Việt Nam dành 3,1 giờ/ngày để online cho mục đích cá nhân trước dịch Covid-19, con số này tăng lên 4,2 giờ/ngày trong thời kỳ giãn cách xã hội và hiện nay là 3,5 giờ/ngày. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết, số người tham gia các dịch vụ số của Việt Nam tăng nhanh nhất Đông Nam Á với mức tăng 41%, cao hơn trung bình 36% của khu vực; số người dùng dịch vụ số mới ở Việt Nam tăng cao trong dịch Covid-19 (41% tổng số người tiêu dùng dịch vụ số là khách hàng mới), cao hơn mức trung bình của Đông Nam Á.
Thương mại điện tử đã đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số ở Việt Nam. Năm 2020, thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng 46% lên 7 tỷ USD và dự báo sẽ tăng 34% lên 29 tỷ USD vào năm 2025. Các lĩnh vực khác như dịch vụ vận chuyển và giao đồ ăn, quảng cáo trực tuyến cũng tăng trưởng mạnh mẽ, tăng gần 50% lên 1,6 tỷ USD và dự kiến tăng 34% lên 7 tỷ USD vào năm 2025.
Kinh tế số ở Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển như mạng lưới hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và internet phát triển nhanh, bao phủ rộng khắp và hiện đại; mật độ người dùng cao, hiện có khoảng 72% dân số sử dụng điện thoại thông minh, 68% số người Việt Nam xem video và nghe nhạc mỗi ngày trên thiết bị di động, 70% số thuê bao di động đang sử dụng 3G hoặc 4G...
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng và tốc độ phát triển kinh tế số nhanh trong khu vực. Xu hướng số hóa, chuyển đổi và ứng dụng công nghệ số ở Việt Nam đang diễn ra nhanh và rộng trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại, giao thông, ngân hàng, y tế, giáo dục, du lịch, đến giải trí... Hiện nay, Việt Nam có khoảng 30 nghìn doanh nghiệp phần cứng, phần mềm, nội dung số, các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin, 10 nghìn doanh nghiệp công nghệ phần mềm với tốc độ tăng trưởng cao khoảng 15 - 20%/năm, hơn 50 công ty công nghệ tài chính cung cấp dịch vụ thanh toán tiền gửi và tiền điện tử. Các doanh nghiệp vận tải cũng ra mắt nhiều ứng dụng để cạnh tranh như Grab, Uber, FastGo, Be, VATO... Về du lịch, có sự tham gia của một loạt các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam như Mytour, Luxstay... cạnh tranh cùng với những tên tuổi lớn như Booking, Agoda hay AirB&B. Ngoài ra, Việt Nam có hàng chục nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực số hằng năm, trong đó, nhiều doanh nghiệp đã chứng tỏ được năng lực, thực hiện nhiều dự án công nghệ cao.
Sự phát triển sôi động của kinh tế số tại Việt Nam hứa hẹn mang lại cơ hội cho nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các nền tảng thương mại điện tử có thể đưa doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đến với những thị trường lớn cả trong và ngoài nước. Khi tham gia vào thị trường lao động trong nền kinh tế số, người lao động phải đổi mới để thích nghi vì các kỹ năng, kiến thức và phương thức kinh doanh truyền thống trước đây cũng chuyển sang môi trường số. Việc này sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp và người lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì phát triển kinh tế số ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một số khó khăn thách thức như: Môi trường thể chế và pháp lý cho phát triển kinh tế số còn chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu tính minh bạch và kiến tạo; nhân lực công nghệ thông tin - nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển kinh tế số, vẫn còn mỏng, chưa bảo đảm về chất lượng; cơ sở hạ tầng cho kinh tế số thiếu đồng bộ, chưa xây dựng được một hệ cơ sở dữ liệu chung của quốc gia; hệ thống logistics yếu; tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số và các phần mềm còn rất thấp, trong đó đối với ứng dụng quản lý nhân sự là 59%, quản lý hệ thống cung ứng là 29%, quan hệ khách hàng là 32%… Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tồn tại lỗ hổng lớn về bảo đảm an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin gây cản trở mục tiêu đưa kinh tế số trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế.
Hoàn thiện thể chế, nền tảng công nghệ
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, xác định rõ chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam, nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chuyển đổi số là vấn đề công nghệ, nhưng thành công hay thất bại phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị, vào thể chế quốc gia. Chính phủ cần tạo ra một hệ thống thể chế hiện đại, với các quy định pháp luật, có kỹ năng để tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số. Còn các doanh nghiệp phải đổi mới mô hình kinh doanh, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Quá trình chuyển đổi số, kinh tế số là những vấn đề không thể thiếu trong các hiệp định về thương mại tự do mới mà Việt Nam sẽ tiếp tục ký kết với các quốc gia, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp định vị lại mình và thay đổi trong nền kinh tế thế giới.
Ngoài ra, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đề ra các mục tiêu cho phát triển kinh tế số. Theo đó, kinh tế số ở Việt Nam đến năm 2025 dự báo đạt 20% GDP, năm 2030 hơn 30% GDP, tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái… Do đó, việc xây dựng và thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp nhằm phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh hướng tới tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh là một nhiệm vụ cấp thiết. Nhà nước cần xây dựng, công bố quy hoạch ngành về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng hạ tầng thanh toán điện tử bằng các giải pháp hạn chế sử dụng tiền mặt; hỗ trợ sự phát triển của thương mại điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký số. Các phương án triển khai dịch vụ 5G cần được đẩy nhanh để có thể theo kịp xu hướng thế giới; xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng viễn thông theo hướng hiện đại, trở thành nền tảng của nền kinh tế số. Việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng cần được chú trọng; tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong việc tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế số.